Mặc dù dấu tích về Miếu Ông chỉ còn lại là một ụ gạch rêu mốc, hoen ố nhưng mỗi khi đi qua đây người dân thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải phòng lại không khỏi rùng mình. Người ta truyền tai nhau câu chuyện về ngôi miếu kì lạ, cứ xây lên là bị sét đánh vỡ tan.Ngôi miếu bị sét đánh sập giữa trưa nắng.
Chúng tôi tìm về thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) để tìm hiểu về ngôi miếu lạ kỳ đó. Đến đầu làng hỏi chuyện, ai ai cũng biết, họ nhiệt tình chỉ cho chúng tôi đường ra ngôi Miếu Ông. Ngôi Miếu Ông nằm hoang vu giữa cánh đồng làng, sau nhiều lần xây lên lại bị sét đánh sập nay chỉ còn lại một ụ đất cỏ mọc um tùm và một vài dấu tích rêu mốc.Đi tìm ngọn nguồn về ngôi miếu cứ xây lên lại bị sét đánh sập, chúng tôi được nghe một câu chuyện lưu truyền mà người dân nơi đây vẫn thường lấy để giải thích cho hiện tượng lạ kỳ kia.
Hồi đó, ở cuối làng Phong Cầu có một hồ nước sâu, cứ vào mùa tháng năm, tháng sáu, nước ở dưới hồ lại đùn lên làm người dân trong xóm không thể cày cấy được. Theo một lời nguyền không biết có từ bao giờ rằng, muốn phá bỏ lời nguyền đó thì dân làng phải cúng xuống hồ một cô gái xinh đẹp. Con gái trong làng thì nhiều nhưng không có ai đủ “sắc nước hương trời” để thần hồ phải động lòng, vả lại, nếu tìm được người vừa ý thì cũng không ai dám tự nguyện cúng mình xuống hồ cả. Thế nên, bao nhiêu năm ròng, dân làng Phong Cầu phải chịu cảnh lũ lụt, mất mùa.
Một hôm, có hai vợ chồng nhà Tơ, chuyên đi hát ả đào trong các lễ hội đến làng. Ông chồng biết chuyện về lời nguyền nên đã gạ bán vợ mình với làng để lấy một khoản tiền. Ông ta thông đồng với làng bắc một chiếc cầu tre ra giữa hồ, sau đó, bảo vợ ra giữa cầu hát rồi đẩy vợ xuống đó. Cũng kể từ đó, hồ nước biến mất, ngay chỗ cái hồ, đất ùn lên thành một gò cao, dân làng yên tâm cày cấy không sợ bị lũ lụt. Để tưởng nhớ công đức của bà Tơ, dân làng lập Miếu thờ bà.
Về phần ông Tơ, lúc thấy vợ mình đã chìm hẳn ở dưới đáy hồ, ông mới cho thuyền lại bờ rồi trở về nhà. Nhưng kì lạ thay, khi ông đi được một quãng thì bỗng có tiếng sét xé trời, đánh trúng đầu ông. Ông Tơ cả người cháy đen, quằn quại rồi chết. Dân trong làng quá đỗi kinh hoàng vì giữa trưa nắng như đổ lửa mà lại có sét đánh. Về sau, ngay tại chỗ ông Tơ chết, người ta lập Miếu thờ, lấy tên là Miếu Ông. Nhưng mọi chuyện kinh hãi không chỉ dừng ở đấy.
Miếu Ông vừa xây xong thì bị sét đánh vỡ tan giữa trời nắng gay gắt. Những lần sau cũng vậy, hễ cứ Miếu Ông xây xong thì lại bị sét đánh vỡ giữa trưa nắng. Quá hoang mang và sợ hãi, dân làng không còn ai dám nghĩ đến việc xây Miếu Ông nữa.
Người tín tâm thì bảo vì ông Tơ làm việc ác, lỡ nhẫn tâm đẩy người kết tóc xe duyên cả đời với mình xuống hồ nên bị trời phạt. Có người lại bảo vì quá hận người chồng bội bạc, tàn ác nên bà Tơ mới nguyền rủa ông Tơ bị sét đánh chết và truyền kiếp muôn đời cũng không lập được Miếu thờ.
Linh thiêng Miếu Bà
Không ai biết Miếu Bà có từ thời gian nào, người ta chỉ biết đến Miếu Bà với những câu chuyện mang màu sắc linh thiêng, huyền bí.
Chuyện rằng, vào một đêm cách đây đã rất nhiều năm, khi Miếu Bà bị chiến tranh làm cho đổ nát, hoang sơ. Một người đàn ông vì tham lam đã dùng cưa cưa thanh xà gỗ của Miếu để về nhà dùng, Khi về đến nhà, không hiểu sao, ông ta bị đau bụng vật vã. Người nhà đưa ông ta đến khám bác sĩ nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Một thời gian sau, trên người ông ta mọc chi chít những chiếc bọc mủ rồi chết. Trước khi chết, ông ta mới cho người nhà biết rằng, ông ta đã cưa trộm thanh xà gỗ ở Miếu Bà.
Rồi lại có chuyện, cậu thanh niên, cháu bà cụ trông coi Miếu nổi tiếng học dốt, nghịch ngợm vì thành tâm cầu cúng ở Miếu Bà mà đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Trước đó, cả dòng họ nhà cậu thanh niên chưa từng có ai đỗ đạt.
Sau những câu chuyện tưởng như khó tin ấy lại càng khiến người ta tin hơn vào sự linh thiêng của Miếu Bà. Người tín tâm ùn ùn kéo về Miếu bà thắp hương, lễ bái. Trong xã, ngoài làng, rồi cả người ở nước ngoài cũng biết đến danh Miếu Bà mà về thờ cúng.
Xoay quanh những câu chuyện linh thiêng về Miếu Bà, người dân nơi đây còn truyền tai nhau một câu chuyện không kém phần ly kỳ khác về người đàn bà trông coi Miếu, đó là bà Phạm Thị La (82 tuổi).
Trước đây, Miếu Bà được người dân thường xuyên lui tới thờ cúng nhưng sau chiến tranh thì bị đổ nát, hoang tàn, không có người trông coi. Vào một đêm nọ, bà La mơ thấy có Thánh Mẫu nâng đầu dậy và dẫn ra Miếu Bà. Họ bảo bà La được Mẫu thương, Mẫu cho ăn lộc, bà là con của Mẫu… Có người thì lại bảo bà La có duyên tiền định với Miếu Bà nên bắt buộc phải ra coi Miếu. Ngày bà ra Miếu có một con rắn to nằm cuộn tròn trước cửa…
Không biết những chuyện đó có thật hay chỉ là đồn thổi nhưng người ta vẫn tin lắm, họ còn chỉ cho chúng tôi nhà của chàng sinh viên thi đại học mấy năm mà không đỗ, chỉ khi ra Miếu Bà xin ở nhờ, ngày đêm thành tâm cầu cúng mới đỗ đại học.
Để làm rõ hơn về những lời đồn đại, chúng tôi tìm về Miếu Bà. Nằm trên một khu đất cao riêng biệt giữa cánh đồng mênh mông, Miếu Bà cổ kính và thanh tịnh, toát lên vẻ linh thiêng. Bà Phạm Thị La, thủ nhang Miếu và đồng thời cũng là người trông coi, tôn tạo Miếu Bà mấy chục năm nay kể lại: Mười sáu tuổi bà đã đi làm giao liên, rồi bị giặc bắt. Giam cầm bà gần hai năm trời mà không lấy được chút thông tin nào, chúng đành để bà tự do. Trở về quê hương, bà vẫn âm thầm giúp sức cho cách mạng, năm hai sáu tuổi thì bà lập gia đình. Cuộc đời bà thay đổi rất nhiều khi vào một đêm, bà mơ thấy có người dẫn bà ra Miếu Bà. Kể từ sau giấc mơ định mệnh ấy, bà đã gắn bó đời mình với ngôi Miếu cổ linh thiêng.
Ngày bà La bắt đầu ra đây, Miếu bà chỉ còn lại là bộ khung rêu mốc, mạng nhện giăng đầy. Không cần ai giúp sức, bà làm lụng, góp nhặt từng đồng để mua dần đồ đạc trong Miếu, từng viên ngói cũng tự tay bà chọn rồi gánh về tu sửa Miếu. Để có tiền tu sửa Miếu, bà La không nề hà bất cứ một việc gì từ mò cua bắt ốc hay đi mót thóc. Nói về những lời đồn thổi, bà nở một nụ cười hiền từ: “Tôi chẳng phải con của Mẫu hay gì gì đó như người ta vẫn nói. Tất cả những việc mình làm đều xuất phát từ cái tâm. Sống ở Miếu tâm hồn thanh thản như vứt bỏ được mọi phiền lo, có lẽ chính vì thế mà thằng cháu tôi, cả bạn của nó nữa cũng đều đỗ đại học khi ra đây. Tôi không cổ súy cho mê tín nhưng quan niệm của người Việt Nam mình rất đúng: có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Nhìn bà La đã ngoài 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, vẫn ra đồng gặt lúa, hái rau khiến người dân nơi đây không khỏi nể phục và người ta càng tin hơn vào sự linh thiêng của Miếu Bà.
Lời nguyền truyền kiếp
Chia tay ngôi Miếu cổ giữa cánh đồng rộng lớn mênh mông, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về lời nguyền truyền kiếp giữa Miếu Bà và Miếu Ông.
Trở lại câu chuyện về lời nguyền kì bí, chẳng ai trong thôn Phong Cầu biết nguyên nhân vì sao ngôi Miếu Ông cứ xây lên lại bị sét đánh vỡ tan giữa trời nắng như thiêu đốt nhưng họ vẫn kể cho nhau nghe rồi truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác. Trong những dịp giỗ chạp ở Miếu Bà, câu chuyện này lại trở thành đề tài “hot” để người dân bàn tán. Chuyện ông Tơ giết vợ đã là chuyện cũ từ bao đời trước nhưng cho đến bây giờ nhắc đến ông, người ta bảo ông tàn độc, tham lam, không có tình người, ngay cả vợ mình cũng giết chết. Thế cho nên, ông mới có một kết cục như ngày hôm nay, ngay cả ngôi mộ cũng không có để mà thờ cúng.
Khác với ông Tơ, khi nhắc đến bà Tơ, người dân nơi đây dành cho bà một niềm cảm thương sâu sắc bởi một người đàn bà đẹp nhưng bất hạnh, bị chồng đối xử tệ bạc. Nhưng đồng thời, những người nông dân này lại mang niềm thành kính tôn thờ Mẫu Bà anh linh.
Lời nguyền truyền kiếp dành cho Miếu Ông trở thành nỗi khiếp sợ với người dân. Không ai dám bén mảng đến Miếu Ông. Người ta sợ lại có kết cục như số phận của một bà lão trong làng năm xưa, vì hay ra Miếu Ông hương khói nên sau đó bị chết bất đắc kì tử. Rồi những nhà có ruộng nằm quanh Miếu Ông cũng đều không cấy hái gì được.
Như để minh chứng cho những câu chuyện mà mình đã kể, một cụ già trong làng chỉ đường cho chúng tôi vào nhà ông Phạm Văn Chằng, người có mảnh ruộng nằm ngay cạnh Miếu Ông. Ông Chằng cho biết: “Miếu Ông bây giờ không còn nữa, vật duy nhất còn sót lại đó là một ụ gạch đã bị che khuất bởi cỏ dại um tùm. Mỗi lần Miếu xây lên là lại bị sét đánh sập giữa trưa nắng, người xây miếu thì bị nạn.
Mấy năm về trước ở miếu còn có bát hương để dân làng đi làm đồng qua đây cúng bái nhưng nghe đâu bát hương bị sét đánh vỡ, cả cây đa cạnh miếu cũng bị sét đánh chết khô rồi. Người làm đồng quanh ngôi miếu, nếu mà thấy trời mưa thì phải về ngay chứ không là bị chết oan. Đám ruộng nhà tôi nằm cạnh đó không hiểu vì sao cũng bị sét đánh cháy hết cả mạ. Sợ quá tôi phải chuyển ruộng mạ đi chỗ khác”.
Ông Phạm Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cũng thừa nhận: “Chuyện Miếu Ông cứ xây lên là bị sét đánh vỡ và cây đa nằm bên cạnh Miếu cũng bị sét đánh chết khô là có thật”. Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc đó chưa chắc là do lời nguyền truyền kiếp. “Mọi chuyện nên để cho khoa học trả lời, bà con nhân dân không nên bàn tán, đồn thổi tạo dư luận không tốt trong địa phương”, ông Thắng khẳng định.
Rời khỏi thôn Phong Cầu đến các địa phương khác tại huyện Kiến Thụy, chúng tôi vẫn được nghe nhân dân kể về những câu chuyện hư hư thực thực và lời nguyền truyền kiếp giữa Miếu Bà với Miếu Ông.
Không ai lý giải được tại sao Miếu Ông cứ xây lên là bị sét đánh vỡ, phải nằm hoang tàn, lạnh lẽo không người hương khói.