Người hiện đại thường cho rằng những người phụ nữ xưa một đời gian khổ thủ tiết là khờ khạo và không biết quý trọng thanh xuân của mình, nào hay họ mới chính là những người được quỷ Thần kính nể nhất, được Thượng Thiên khen ngợi và ban thưởng, chẳng những có thể tăng thêm phúc thọ mà sau khi chết còn có cơ hội được liệt vào hàng ngũ Thần Tiên, mãi hưởng Thiên phúc…
Vào thời nhà Thanh, người con dâu cả của học giả Du Việt (1821-1907) là Phàn thị, đã kể lại một câu chuyện kỳ lạ xảy ra trong chính gia đình mẹ ruột của mình.
Người dì thứ hai của Phàn thị đau ốm quanh năm, thường thường chỉ nằm trên giường bệnh. Tới năm người dì được 49 tuổi, bệnh tình của bà trở nên rất trầm trọng và đã qua đời. Khi mọi người chuẩn bị lo liệu tang lễ, thì con trai của bà vẫn ngồi ở đầu giường của mẹ, tay nắm chặt góc màn, không cho mọi người đến gần.
Có người nói với anh ta: “Mẹ của cậu đã chết rồi.”, nhưng anh ta không nghe, trái lại còn tỏ vẻ giận dữ. Mọi người đều cho rằng vì người con trai hiếu thuận này quá đau lòng, nên cũng không nhẫn tâm o ép nữa.
Nhưng qua một đêm, vì người con trai vẫn mãi không cho người ta đến gần mẹ mình nên tang lễ vẫn chưa thể tiến hành, gia đình sợ việc hậu sự bị trễ nải sẽ không tốt nên ra sức thuyết phục anh ta rời khỏi chỗ đó, nhưng không ai có thể lay chuyển được anh.
Đến khi trời hửng sáng, người dì hai đột nhiên sống lại. Sau khi tỉnh dậy, bà kêu mọi người đốt tiền giấy, nói là để thưởng cho người khiêng kiệu. Mọi người đều ngạc nhiên, cùng vây quanh bà và hỏi bà làm sao có thể sống lại, dì hai nói: “Là cha mẹ chồng đưa ta về.” Cha mẹ chồng của dì hai qua đời đã lâu, nên mọi người nghe vậy không khỏi tò mò và sửng sốt.
Theo lời kể của dì hai, trong lúc bất tỉnh bà đã đến một nơi, thấy cha mẹ chồng của mình đều ở đó. Nơi đó có những tòa nhà cao chót vót, bên trong người hầu kẻ hạ nhiều vô kể. Thấy con dâu đến, cha mẹ chồng đều vô cùng ngạc nhiên, nói: “Làm sao con vào đây được? Mau về đi!”
Dì hai đáp: “Con dâu đã đến đây rồi, thì đương nhiên phải ở lại hầu hạ cha mẹ, sao có thể quay về được?”
Nhưng cha mẹ chồng không chịu để bà ấy ở lại. Cha chồng vẫn nói nhẹ nhàng mềm mỏng, còn mẹ chồng thì nghiêm mặt, cầm gậy gỗ đuổi bà đi và nói: “Nếu con không đi, ta sẽ dùng gậy đánh!”
Cha chồng ôn tồn khuyên: “Đừng đánh, đừng đánh!” Sau đó, ông thì thầm nói nhỏ với mẹ chồng vài câu, mẹ chồng liền vào nhà lấy ra một viên thuốc bảo con dâu uống, rồi nói: “Bây giờ con có thể đi được rồi.”
Dì hai của Phàn thị uống viên thuốc xong, chần chừ quẩn quanh ở đó, không biết nên đi về thế nào. Sau đó, bà nghe thấy tiếng cha chồng gọi người hầu trước kia là Trần Vinh ra. Trần Vinh cũng giống như cha mẹ chồng, đã qua đời từ lâu. Sau khi Trần Vinh đến, dì hai thấy ông ta vẫn như lúc còn sống. Cha chồng ra lệnh cho Trần Vinh dùng kiệu đưa con dâu về.
Dì hai lên kiệu trở về nhà. Vừa về tới cửa nhà, người khiêng kiệu kéo rèm nói: “Đến rồi, đến rồi”, dì hai bèn bước ra nhập vào xác của mình.
Sau khi sống lại, dì hai nói với mọi người rằng bà mới “trở về” nên rất mệt. Chợt nhớ ra người khiêng kiệu vẫn còn ngoài cửa, bà vội gọi người đốt một ít tiền giấy để thưởng cho họ. Vì dì hai đã uống thuốc nên khi bà nói chuyện, mọi người vẫn ngửi thấy mùi thuốc.
Vài ngày sau, dì hai hoàn toàn bình phục. Sau đó, mọi người hỏi con trai của dì hai: “Làm sao cậu biết mẹ cậu vẫn chưa chết?” Người con trai cũng không giải thích được, có lẽ đó là do sợi dây gắn kết giữa mẹ và con, khiến tâm hồn của hai người tương thông.
Dì hai sống lại được một năm, đến năm sau bà lại lâm bệnh và qua đời. Lần này, con trai bà không cố chấp ương ngạnh nữa, buông xuôi để mọi người chuẩn bị tang lễ.
Theo Phàn thị, dì của cô đã thủ tiết từ khi còn trẻ, khi bà 50 tuổi, họ hàng và bạn bè đã đến mừng thọ, đồng thời viết rất nhiều văn chương để ngợi ca đức hạnh của bà. Có lẽ, lần đầu bà được sống lại là do Thần linh ban thưởng cho sự gian nan thủ tiết của bà, đồng thời để nhắc nhở con người thế gian rằng người gìn giữ đức hạnh ắt sẽ được phúc báo.
Phàn thị nói, thời điểm dì hai mất cũng khá kỳ lạ. Hôm đó trời mưa, người hầu chăm sóc dì hai vô tình nói với bà rằng bên ngoài trời đang mưa. Nhưng dì hai lại nói: “Trong cung của ta không mưa.”
Người hầu ngạc nhiên hỏi: “Cung gì?”, Dì hai đáp: “Ta không biết là cung gì, nhưng ta nhìn thấy phòng ốc cao lớn rộng rãi, khác hẳn so với những ngôi nhà bình thường. Người hầu hạ ở trong đó đều ăn mặc như cung nữ trong hoàng cung.” Mọi người đều cho rằng bà sắp chết nên nói năng linh tinh, cũng không để ý lắm.
Dì hai khi còn sống rất hiếu thảo và thường xuyên mang thức ăn cho mẹ già. Sau khi dì hai mất, gia đình không cho mẹ già của dì hai biết là con gái bà đã qua đời, cơm nước vẫn được đưa tới như thường ngày. Vì vậy, mẹ già của dì hai trong suốt những năm cuối đời vẫn không biết rằng con gái mình đã không còn tại thế từ lâu.
Vài năm sau đó, mẹ già của dì hai cũng qua đời, lúc lâm chung bà lão nói với mọi người: “Con gái ta đến rồi, có rất nhiều người hầu đi theo, tất cả đều ăn mặc như nữ tử trong hoàng cung.” Vậy là người mẹ già trước khi chết đã nhìn thấy con gái của mình, hơn nữa cảnh tượng giống hệt như lời dì hai nói trước đây, khiến mọi người vô cùng kinh ngạc.
Diêu Bình Tuyền, cậu của Du Việt, cũng từng kể rằng: “Ta mơ thấy con gái đến nói cho ta biết, vì lúc còn sống nó kiên định thủ tiết nên sau khi chết được liệt vào hàng Thần Tiên.”, có lẽ người dì thứ hai của Phàn thị một đời gian khổ thủ tiết, nên cũng nhờ vậy mà được phong làm Tiên Nữ chăng?
Thế Di
Theo epochtimes.com