Làm thế nào một con bò có thể giải quyết nợ nần giữa mình và ba người từ tiền kiếp? Nó không chỉ trả hết nợ mà còn đòi được nợ từ người khác. Câu chuyện ly kỳ này đã khiến người trong cuộc một phen kinh hãi, cũng làm nhiều người phải suy ngẫm về việc mượn tiền và trả nợ thời nay.
Vào năm Kỷ Sửu (khoảng năm 1589) thời nhà Minh, có một người nông dân sống trong một ngôi làng nhỏ ở Thái Nguyên. Một hôm, anh ta đang muốn mua một con bò để cày ruộng thì bắt gặp ông Hà làm nghề đồ tể sống ở nhà bên dắt một con bò về. Con bò này còn trẻ và khỏe; nhìn con bò anh ta cảm thấy rất vừa ý, vội vàng chạy đến nhà ông Hà.
Đến gần nhìn thật kỹ, người nông dân càng cảm thấy hài lòng, con bò đáp ứng đầy đủ yêu cầu của anh ta. Người nông dân bèn nói: “Ta định mua một con bò để cày ruộng, huynh đừng giết nó, bán cho ta đi?”
Ông Hà đáp: “Được rồi! Cứ vậy đi, chúng ta là hàng xóm của nhau lâu như vậy, ta bán rẻ cho ông, hai lượng sáu đồng bạc, được chứ?” Người nông dân chấp nhận mức giá trên, vui vẻ trả tiền rồi dắt bò về nhà.
Vài ngày sau, người nông dân cười nói với vợ: “Con bò này rất ngoan ngoãn, nó có vẻ hiểu lời ta nói, chẳng cần người trông coi, nhưng nó vẫn chăm chỉ tự cày ruộng!”
Người vợ cũng vui vẻ đáp: “Thật là tốt quá! Có vẻ như năm nay chúng ta sẽ có một vụ mùa bội thu hơn và có thể kiếm được nhiều tiền hơn một chút!” Họ rất vui mừng và hy vọng con bò này sẽ sớm mang lại nhiều của cải cho gia đình.
Không ngờ mấy ngày sau, con bò nằm bất động cạnh những tảng đá gần đó. Người nông dân vội chạy đến thì phát hiện nó đã chết, sau khi kiểm tra kỹ thì thấy trên người con bò không có vết thương nào.
Người nông dân vừa buồn vừa nuối tiếc. Một là, không thể chịu đựng nổi việc một con bò tốt như vậy lại đột ngột chết? Hai là, số tiền mình bỏ ra chưa thu lại được lợi ích gì vậy mà đã tiêu tan như bọt biển.
Tuy nhiên, sau khi người nông dân nghe ngọn nguồn về con bò, anh ta không còn cảm thấy buồn nữa. Anh ta chuyển từ buồn bã sang vui mừng và nói với vợ: “May mà xảy ra chuyện này! Hóa ra bạc của ta không mất trắng!”
Người vợ tròn mắt khó hiểu nhìn chồng, vừa rồi chẳng phải còn khóc lóc bực bội hay sao, đột nhiên lại thay đổi nhanh chóng như vậy? Người nông dân đã nghe thấy gì?
Quay trở lại ngày ông Hà đồ tể giao thịt cho một phú ông cùng làng. Sau khi giao thịt cho người đầu bếp, vừa hay thấy phú ông đang ở nhà, ông Hà liền hàn huyên trò chuyện với phú ông vài câu.
“Con bò mà ông bán cho ta vài ngày trước được người nông dân bên cạnh nhà ta mua lại rồi. Nó thực sự là một con bò tốt, rất chăm chỉ, chỉ tiếc là hai ngày trước con bò đã vô duyên vô cớ mà chết.”
Khi phú ông nghe tin con bò chết đột ngột, ông Hà thấy vẻ mặt của phú ông rất kỳ lạ, nên cố gắng vặn hỏi, thế là phú ông bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Phú ông nói: “Nó không phải là một con bò bình thường! Mà có lai lịch rõ ràng.”
“Hôm đó, ta đang chợp mắt trên ghế, trong lúc mơ màng thì nhìn thấy Vương Ngạn Tu – một chủ thuyền ở Thái Nguyên bước vào nhà ta. Ông ta đeo một chiếc thắt lưng màu trắng, chẳng nói chẳng rằng đi tới chuồng bò, sau đó biến mất. Vì ta biết rằng Vương Ngạn Tu đã qua đời cách đây vài ngày, làm thế nào ông ta có thể đến đây? Vừa nghĩ đến đó, ta sợ quá bàng hoàng tỉnh dậy!”
“Một lúc sau, người hầu chạy đến báo: ‘Một con bò cái đã sinh con’. Ta bước tới và thấy trên bụng của con bê có một vệt trắng. Ta nhận ra con bê này chính là Vương Ngạn Tu đến vãng sanh chuyển kiếp để trả nợ, bởi vì ông ta đã vay của ta một lượng tám đồng bạc, chưa kịp trả thì đã chết”.
Hà đồ tể nghe vậy trợn tròn mắt, mồm há hốc kinh ngạc: “Vậy là ông nuôi nó rồi bán cho ta một lượng tám đồng bạc? Đó chính là số tiền Vương Ngạn Tu nợ ông?”.
Phú ông gật đầu lia lịa.
Hà đồ tể chợt nhận ra điều gì đó và nói: “Ồ! Ta suýt nữa thì giết thịt con bò, nhưng may mắn là ta không giết nó! Hồi đó Vương Ngạn Tu nợ ta tám đồng tiền thịt, ta đã bán con bò cho người nông dân với giá hai lượng sáu đồng bạc, tức là lãi tám đồng. Như vậy là tiền thịt mà Vương Ngạn Tu nợ ta cũng đã được trả hết! “
Cả phú ông và Hà đồ tể đều kinh ngạc, tuy rằng chủ thuyền Vương Ngạn Tu phải đầu thai làm bò, nhưng những món nợ kiếp trước của ông ta đều trả rất rõ ràng, tiền nên trả thì trả, hơn nữa tính toán cũng đâu ra đấy!
Sau khi tất cả các khoản nợ được trả hết, con bò liền chết đi!
Sau khi trở về nhà, Hà đồ tể kể rõ ngọn ngành câu chuyện Vương Ngạn Tu đầu thai làm bò với người nông dân.
Nghe xong người nông dân toát mồ hôi lạnh: “Ôi! Hóa ra tiền ta nợ Vương Ngạn Tu vẫn chưa trả. Vì thế, hôm nay ông ta biến thành con bò đến tìm ta đòi nợ, khi đòi đủ nợ rồi, con bò liền chết!”.
Thật bất ngờ, thì ra người nông dân cũng liên quan đến câu chuyện này, Hà đồ tể nói: “Thì ra là như vậy, vì vậy ngươi mua bò của ta cũng là có nguyên do cả.”
Rồi người nông dân chợt nhận ra: “Người xưa nói có nợ thì trả, nếu không trả, có chết cũng phải làm trâu làm ngựa trả nợ. Thật đúng như vậy! May mà số tiền ta nợ ông ta đã được giải quyết!”.
Hà đồ tể: “Sự việc này thật sự rất ly kỳ. Hẳn là do ông trời an bài! Nếu không thì không thể có chuyện thần kỳ như vậy được! Ta nghĩ sau này mình sẽ đổi nghề, nợ tiền người khác nhất định phải trả, ta làm đồ tể nhiều năm như vậy, tuy rằng giết gia súc, nhưng cũng là sát sinh, nghe nói nợ mạng càng khó trả!”.
Người nông gật đầu như giã tỏi: “Trước đây ta cũng không muốn trả nợ sớm, trong lòng còn thầm nghĩ, nếu đối phương dần dần quên đi thì càng tốt, ta sẽ không phải trả nữa. Thì ra dù chỉ nợ một xu cũng không thể thoát được! Sau này, ta phải thay đổi suy nghĩ, nếu mắc nợ thì phải trả càng sớm càng tốt, không thể quỵt nợ, nhỡ sau này phải làm trâu làm ngựa để trả nợ, thì khủng khiếp đáng sợ biết bao!”.
Tử Vi
Theo epochtimes.com