Thời xưa, con người phi thường coi trọng hiếu đạo, ai ai đều xem trọng và tôn kính những người hiếu thảo. Ngoài con trai, con gái hiếu thảo với cha mẹ đẻ ra thì con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng cũng được trời, đất và mọi người kính trọng.
Người con dâu có hiếu phụng dưỡng mẹ chông rất chu đáo. (Ảnh qua yangshandang)
Ở tỉnh Giang Tây huyện Đô Xương, có một phu nhân là Ngô thị, là vợ của Vương Ất, đã ở góa nhiều năm, nhưng phụng dưỡng mẹ chồng rất hiếu thuận.
>>> Hết lòng hiếu thuận với mẹ chồng, cô con dâu khiến trời cao cảm động
Mẹ chồng tuổi đã già, mắt cũng có bệnh, bà thương Ngô thị lẻ loi hiu quạnh, hơn nữa trong nhà lại nghèo khó, nên muốn tìm cho cô một vị hôn phu, còn có ý định sẽ nhận người đó làm con nuôi.
Ngô thị sau khi nghe xong dự tính ấy của mẹ chồng, khóc với bà nói: “Phụ nữ trước giờ không thể hai chồng, con có thể tự lực cánh sinh, chăm sóc cho mẹ. Kính xin mẹ đừng nói như thế nữa”. Mẹ chồng biết cô một lòng giữ gìn trinh tiết, cũng không muốn ép buộc nữa.
Ngô thị rất chịu khó, bình thường giúp đỡ hàng xóm láng giềng làm mấy chuyện lặt vặt như dệt vải, giặt giũ, may vá, nấu nướng, mỗi ngày cũng có thể kiếm được một ít tiền, về đến nhà đều giao hết cho mẹ chồng để lấy tiền mua gạo củi. Nếu hôm nào được một ít thịt, Ngô thị đều gói lại cẩn thận, mang về nhà cho mẹ chồng ăn.
Một ngày, hàng xóm thấy Ngô thị bay lên trời. (Ảnh qua 凤凰)
Bởi vì Ngô thị bản tính chất phác đôn hậu, chưa bao giờ nói gì lung tung hoặc không hay. Cho dù người khác đặt tiền tài trước mặt, cô cũng không liếc nhìn, chỉ lấy phần tiền công mà mình xứng đáng nhận. Cho nên trong thôn mọi người đều sẵn lòng mời cô giúp việc. Ngô thị chịu khó chăm lo việc nhà, hai mẹ con cũng không phải sống trong cảnh nghèo đói.
Có một lần, Ngô thị đang nhóm lửa nấu cơm, bên ngoài có người gọi, Ngô thị bước ra nói chuyện với người đó. Mẹ chồng lo cơm sôi quá mức, liền nhấc nồi cơm xuống đặt ở trong chậu. Bởi vì thị lực của bà không tốt, thành ra lại bỏ cơm vào trong chậu bẩn.
Ngô thị sau khi về, nhìn thấy cơm bị bỏ trong chậu bẩn, cô không phàn nàn lấy một câu. Chỉ tranh thủ qua xin nhờ hàng xóm một chén cơm cho mẹ chồng ăn, còn cô thì lẳng lặng rửa lại phần cơm đó, sau đó nấu lại cho mình ăn.
Một hôm nọ, đang vào giữa ban ngày, hàng xóm láng giềng đều chứng kiến thấy áng mây năm màu từ trên trời hạ xuống, Ngô thị bay lên không trung, từ từ bay về phía chân trời. Cảnh tượng kỳ lạ này làm cho mọi người cực kì kinh ngạc, vội chạy đến nói với người mẹ chồng.
Mẹ chồng cô bảo: “Đừng có nói nhảm, con ta vừa đi giã gạo cho người ta về, bởi vì mệt mỏi nên đang nằm trên giường nghỉ ngơi chứ đâu! Không tin các người cứ đến xem”.
Mọi người rón rén đến trước phòng, quả nhiên thấy Ngô thị đang ngủ say, vẫn chưa tỉnh lại. Mọi người không dám quấy rầy, chỉ kinh ngạc lui ra.
Đợi đến lúc Ngô thị tỉnh dậy, mẹ chồng hỏi chuyện này. Ngô thị nói: “Vừa rồi con mơ thấy hai đồng tử áo xanh cưỡi mây đến, trong tay họ cầm phù điệp (phù di quan điệp, cách gọi một loại công văn), họ nắm lấy tay áo con, nói thiên đế có lệnh, muốn triệu kiến con, rồi con bay lên trời, thẳng đến Thiên Môn.
Đồng tử đưa con đi bái kiến Thiên Đế. Thiên Đế nói: ‘Cô chỉ là phụ nữ thôn quê, lại có thể thành tâm thành ý phụng dưỡng mẹ chồng, tuy là vất vả vẫn dốc hết sức mình, thật sự đáng quý’. Thiên Đế ban cho con một ly rượu ngon, hương thơm nức mũi, còn đưa cho con một xâu tiền, nói: ‘Cô trở về chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng thật tốt, từ nay về sau không cần phải khổ cực như vậy nữa’. Sau khi con hành lễ cảm tạ Thiên Đế, thì đã trở về đây. Chính là hai đồng tử đó đã đưa con trở về, trong lúc còn đang ngẩn ngơ thì con chợt tỉnh”.
Ngô thị nhìn lại, trên giường quả nhiên có một xâu tiền, cả căn phòng thì tràn đầy hương thơm. Lúc này, cô bừng tỉnh, thì ra vừa rồi cảnh tượng mà hàng xóm chứng kiến được, đúng là mình đang bay vào cõi tiên! Từ đó về sau, người mời Ngô thị đến làm việc ngày càng nhiều, cô cũng không từ chối.
Xâu tiền dùng hết lại xuất hiện một xâu tiền khác. (Ảnh qua 大纪元)
Ngô thị lấy xâu tiền mà Thiên Đế ban thưởng đưa cho mẹ chồng dùng, xâu tiền đó sau khi dùng xong, lại xuất hiện một xâu khác, không ngớt không dứt. Không lâu sau đó, hai mắt của người mẹ chồng cũng dần khôi phục thị lực.
Truyền thống phương Đông rất coi trọng sự hiếu thảo. Nó là đức tính được xem trọng ở nhiều quốc gia, từ Trung Quốc, Việt Nam đến Nhật Bản, Hàn Quốc… Sách cổ “Hiếu Kinh”, viết từ thời Tần – Hán đã có những chuyện cổ bàn luận về đức hiếu hạnh. Sau này, dưới thời nhà Nguyên, sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 gương hiếu) là một trong những bộ sưu tập kinh điển về hiếu nghĩa phương Đông. Đạo đức của một xã hội lấy nền tảng từ đạo đức gia đình, chữ hiếu chính là mối dây liên kết quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như thế.
Làm con mà hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì vừa là tròn chức phận, đạo lý, lại vừa có thể nhận được phúc báo nhãn tiền như trong câu chuyện phía trên. Ngô thị sớm thành góa bụa, lại không có con, đáng ra có thể tái giá, vun vén tổ ấm riêng cho mình. Nhưng không những thủ tiết thờ chồng, cô còn phụng dưỡng mẹ chồng tận tụy. Dân gian có câu “khác máu tanh lòng”, con dâu, mẹ chồng chẳng mấy khi hòa hợp. Giữa khi ấy, chuyện hiếu thảo của Ngô thị quả là đáng trân quý. Tấm lòng ấy của Ngô thị thậm chí đã kinh động đến cả thần tiên trên trời.
(Dựa theo “Di Kiên Chí Bổ”, cuốn một)
Tuệ Tâm, theo NTDTV