Đức Phật khai thị vì sao con người sẽ quên đi kiếp trước (P.2): Ngọn đuốc sáng và bóng đêm

0
3

Một ngày nọ, Đức Phật cùng với chúng đệ tử nghỉ ngơi dưới một gốc cây cổ thụ ngoài thành La Duyệt Chỉ, có một vị tỳ kheo vừa mới xuất gia tên là Kiến Chánh. Cậu này đang suy nghĩ một vấn đề: Đức Phật nói rằng con ngươi ta đều có đời trước của mình, thế nhưng con người tại sao đều không nhớ rõ?

Con người không tu thân dưỡng tính, lại muốn biết luân hồi sinh tử thì giống như là mò mẫm trong bóng đêm. (Ảnh: Twitter)

Đức Phật đã đưa ra các loại ví dụ để trả lời thắc mắc của Kiến Chánh.

2. Ví dụ sinh vật, thịt

Đức Phật nói tiếp: “Nếu như nghiệp lực mà một người nào đó tạo trong một đời là nghiệp súc sinh, đương nhiên sẽ phải thuận theo hình tượng của súc sanh, và anh ta cũng không thể trở về trước mặt người ta được. Ví như ấu trùng ve, sống ở trong đất, không có tiếng kêu, không có lông cánh, nhưng nó hễ có được điều kiện sinh thành, rồi lột xác thành ve. Con ve này bèn bay lên cây, kêu không ngừng, thử hỏi có thể cho nó vào trong đất, khiến nó trở lại thành ấu trùng ve được không?”

Chúng đệ tử trả lời: “Không thể ạ! Ấu trùng ve đã trải qua lột xác, rời khỏi chỗ tối tăm ra sống ở nơi sáng, thân hình đã biến khác, không lâu nữa sẽ chết, hoặc bị chim chóc mổ ăn, không thể phục hồi thành ấu trùng ve như trước được nữa!”

Đức Phật nói: “Sinh tử của con người cũng là đạo lý này. Mệnh hết thân chết, tâm thức đổi dời, tiếp nhận thân thể mới, chịu sự che đậy của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thói quen nghe nhìn đều khác nhau, sống chết đổi thay, không được lâu dài, là các loại nhân nhân quả quả khác nhau. Giống như con ve trên cây không thể trở lại thành ấu trùng ve ban đầu nữa”.

Đức Phật hỏi các đệ tử: “Ví như một miếng thịt cắt ra, qua một thời gian dài không ăn, thì sẽ bốc mùi hôi thối sinh ra dòi bọ; bây giờ nó còn có thể trở lại thành miếng thịt tươi ngon ban đầu không?”

Chúng đệ tử trả lời: “Không thể ạ! Miếng thịt này đã bị hư nát, làm sao có thể phục hôi là miếng thịt tươi ngon ban đầu được nữa”.

Đức Phật nói: “Sinh tử cũng như vậy, con người ở thế gian thuận theo ba nghiệp thân – khẩu – ý đã tạo, sau khi chết tâm thức sẽ đi về nẻo ác, hoặc thân đọa địa ngục, hoặc mang thân súc sinh, hoặc mang thân côn trùng và cá… Lúc này ý thức là khác vạn dặm so với con người, bởi vì nghiệp tội của họ giống như tấm lưới chụp lấy tâm thức vậy. Họ cũng không còn nhận thức được bản thân mình, vậy nên càng khó nhớ lại hết thảy cảnh ngộ lúc sinh tiền của mình; giống như một miếng thịt đã cắt ra này, không thể khôi phục lại miếng thịt tươi ngon ban đầu nữa”.

3. Ví dụ màu sắc, ánh sáng

Đức Phật nói với chúng đệ tử: “Lại ví như đêm không trăng, đem đồ vật có năm loại màu sắc khác nhau đặt trong chỗ tối, gọi hàng nghìn vạn người đến phân biệt. Trong đó có người nào có thể phân biệt được các màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay không?”

Chúng đệ tử trả lời: “Dẫu có gọi nhiều người hơn nữa đến phân biệt, cũng đều khó nhìn thấy là vật gì, huống hồ là nhận biết màu sắc”.

Đức Phật nói: “Nếu như có người cầm một ngọn đuốc đến chiếu sáng thì sao?”

Chúng đệ tử trả lời: “Nếu thế thì sẽ khác, có ánh sáng rồi, con người liền có thể phân biệt 5 màu sắc ngay”.

Đức Phật nói: “Nếu như có một kẻ ngu đần, anh ta cứ ngược hướng với ánh sáng mà đi vào trong nơi tối tăm tịch mịch khó lường, hơn nữa còn đi rất xa rất xa, muốn nhìn ra năm loại màu sắc này, hỏi có thể được không?”

Chúng đệ tử trả lời:  “Kẻ ngu đần ngược hướng ánh sáng mà đi vào chỗ tối tăm, vậy thì càng đi sâu vào sẽ càng tối, đương nhiên vĩnh viễn cũng nhìn không thấy năm loại màu sắc”.

Đức Phật nói với chúng đệ tử:

“Sống chết của con người cũng là như vậy. Hết thảy con người cũng như các loài vật bay lượn trên không, đi lại trên đất, đã nhận chịu số mệnh theo hình dạng bề ngoài, đều là từ sự u mê bởi các loại vọng tưởng mà nên. Nếu không hành thiện tu đạo, không tu thân dưỡng tính, không có được huệ nhãn, lại muốn biết được hướng đi sinh tử của tâm thức, muốn biết được sự thật về âm dương, thì sẽ giống việc nhận biết năm loại màu sắc trong bóng tối vậy, chung quy vẫn là uổng công vô ích.

Nếu như làm theo lời dạy, kiên trì tuân thủ giới luật, tu hành đạo phẩm, thân giữ chính niệm, chính là giống như đi theo người mang đuốc lửa, tự nhiên có thể nhìn được năm loại màu sắc. Nếu như nghe theo lời Phật dạy, y pháp tu đạo, thì có thể thoát khỏi sinh tử, nhìn thấu ngũ đạo và thiện ác báo ứng. Chính là như đuốc lửa chiếu sáng, giúp ta nhìn rõ màu sắc vậy.

Con người ta nếu không tu thân dưỡng tính, làm trái điều răn, trôi theo dòng chảy thế tục, tà mệnh dưỡng thân, đoạn đứt chính Pháp, không tín không nghe, càng không chịu làm theo, chính là giống như kẻ ngu đần rời bỏ chỗ sáng đi về chỗ tối, đời đời bị che mờ, kiếp kiếp bị ô nhiễm, cuối cùng không thể nhìn rõ chân tướng của sinh tử”.

Đức Phật lại nói với chúng đệ tử: “Con người một đời này mang theo thân người, mắt thịt nhìn thấy những việc hiện tại, cha mẹ họ hàng thân quyến, v.v… rõ ràng minh bạch. Tuy vậy không thể nhìn rõ được kiếp trước là từ đâu đến, khi kiếp này già chết đi về kiếp sau, lại nhận thân hình mới, cũng không thể nhận biết được chuyện của kiếp này, tại sao vậy? Một sống một chết, tâm thức chuyển dời, mười hai nhân duyên, u mê không rõ tấm thân này, mơ mơ màng màng, hễ chuyển sinh thì không còn nhận biết gì nữa.

Giống như sợi tơ trắng được nấu luyện, nhuộm thành các màu xanh, vàng, đỏ, đen, khó có thể trở về màu trắng tinh của ban đầu nữa. Thay đổi giữa sống và chết, cũng như sợi tơ trắng biến đổi màu sắc vậy. Trong một đời này, tâm niệm muôn mối, thưởng thiện phạt ác, tùy theo các nghiệp, thân cũ đã diệt mất, thân mới cũng chẳng được lâu, quy luật của sinh tử thì đương nhiên là cuồng vọng và ngu muội mà thành.

Nếu như con người muốn biết hết thảy nguồn gốc của nhân quả khổ nghiệp, thì cần phải tu học phẩm đức cao thượng, hành vi thanh tịnh, để trở về với bản tính tuyệt diệu của chính đạo Bồ đề. Có như vậy thì con người tự nhiên sẽ ngộ thấu hết thảy những gì trước đây, giống như người ta tỉnh dậy sau một giấc ngủ li bì”.

Tiểu Thiện (Theo secretchina.com)

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận