Kết cục của 4 người từng vũ nhục và hủy hoại tượng Phật trong lịch sử

0
4

Người xưa thường nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, rất nhiều người không tin, thậm chí có những người trong vô minh mà buông lời phỉ báng Thần Phật, tạo nghiệp lực vô cùng to lớn.

Phỉ báng và hủy hoại tượng Phật, rất nhiều trường hợp gặp báo ứng thê thảm.

Dưới đây là 4 trường hợp bị báo ứng rất thê thảm vì vũ nhục và phá hủy tượng Phật trong lịch sử, cũng là những bài học để cảnh tỉnh con người.

Vũ nhục kim tượng Phật, toàn thân phù thũng

Trong bộ sách kinh điển “Tinh dị ký” của học giả Hầu Bạch nhà Tùy của Trung Quốc có ghi chép lại trường hợp Tôn Hạo – Hoàng đế nước Ngô vì làm nhục tượng Phật bằng vàng mà chịu báo ứng như sau:

Vào thời Tam Quốc khi Tôn Hạo (242-284), hoàng đế của nhà Đông Ngô đã tìm thấy một bức tượng Phật bằng vàng (kim tượng Phật) cao mấy thước trong hoa viên ở hậu cung.

Sau khi tìm hiểu, Tôn Hạo biết bức kim tượng Phật này có nguồn gốc từ Ấn Độ. Pho tượng đã được vua Ấn Độ Ashoka (A Dục Vương) làm ra và đặt trong cung điện để bảo an. Tuy nhiên Phật giáo đã không được truyền đến miền Nam từ sau triều đại nhà Tần và Hán, vì thế bằng cách nào mà bức tượng này lại chôn dưới đất như vậy thì không ai có thể giải thích được.

Bởi vì Tôn Hạo vốn không tin Phật, hơn nữa còn có thái độ tàn bạo, bất kính với Phật nên ông ta đã sai người đem kim tượng Phật đặt ở nơi dơ bẩn rồi sai người đổ phân lên đó. Tôn Hạo cùng với các quần thần của mình rất thích thú khi chứng kiến cảnh tượng ấy.

Tuy nhiên, niềm vui không được bao lâu thì toàn thân Tôn Hạo bị sưng phù thũng và đặc biệt bị đau đớn ở phần kín đáo của mình. Điều này khiến ông ta đau đớn đến mức thường kêu than thống thiết, “kinh thiên động địa”.

Trước sự việc trên, Thái Sử (một vị tiểu tướng trong triều) đã bói toán và nói rằng: “Đó là do xúc phạm đến đại Thần Tiên”. Vì thế Tôn Hạo đã hạ lệnh cúng tế tất cả các tượng Phật ở tất cả các chùa, thế nhưng căn bệnh của ông ta không hề có chuyển biến gì.

Về sau, một cung nữ vốn là người tin vào Phật Pháp, nói với Tôn Hạo: “Bệ hạ! Ngài có nguyện ý đến chùa cầu phúc không?”

Tôn Hạo hỏi: “Phật là một vị Thần phải không?”

Cung nữ trả lời: “Vâng, đúng như vậy”.

Tôn Hạo nghe xong có phần tỉnh ngộ, dường như ông ta đã nhận ra việc vũ nhục kim tượng Phật là việc sai trái nên kể lại sự tình ấy với cung nữ này. Cung nữ lập tức mang kim tượng Phật vào đại điện và lau rửa nhiều lần với nước trong sạch. Sau đó, cô đốt hương và khấn nguyện sám hối. Tôn Hạo cũng quỳ thú tội và thỉnh cầu lòng tha thứ. Ngay sau đó thì vị Hoàng đế này đã không còn cảm thấy đau đớn toàn thân như trước nữa.

Về sau, Tôn Hạo còn sai người đến miếu tự thỉnh mời vị hòa thượng Khang Tăng Hội đến giảng giải Phật Pháp. Vị hòa thượng đã giảng giải chi tiết tỉ mỉ Phật Pháp cho Tôn Hạo nghe. Đồng thời ông còn giảng chi tiết về luật nhân quả báo ứng, Tôn Hạo hiểu ra và đã rất hối tiếc về những gì mình đã làm lúc trước.

Tôn Hạo còn cho tu sửa chùa chiền và làm nhiều việc công đức. Hơn 10 ngày sau, Tôn Hạo đã hoàn toàn bình phục. Ông ngay lập tức đi đến ngôi chùa nơi hòa thượng Khang Tăng Hội trú ngụ, đồng thời ra lệnh trang hoàng ngôi chùa này. Tôn Hạo sau đó còn hạ lệnh tất cả mọi người trong cung đều thờ phụng Phật Pháp.

Đốt kinh sách nhà Phật bị giảm phúc thọ, chết sớm

Theo sử sách ghi lại, vào triều đại nhà Minh, ở phía Tây huyện Vũ Công có một ngôi chùa cổ. Trong ngôi chùa ấy có nhiều kinh sách đã bị cũ nát.

Khang Đối Sơn là một thư sinh trẻ tuổi, hàng ngày đều lên ngôi chùa đọc sách cùng năm người bạn khác. Lúc trời giá rét, bốn người bạn của Khang Đối Sơn đã lấy kinh sách cũ kia ra đốt để sưởi ấm. Một người trong số họ còn lấy kinh sách để đun nước rửa mặt. Khang Đối Sơn trong lòng oán trách các bạn có hành vi bất kính đối với kinh sách, nhưng không nói ra.

Vào ban đêm, Khang Đối Sơn nằm mơ thấy ba vị quan khai mở công đường, phẫn nộ với những người đã đốt kinh sách. Họ quyết định sẽ giảm trừ phúc thọ của những người đã đốt sách, người đốt sách nấu nước sẽ không đỗ trong kỳ thi sắp tới.

Cuối cùng, một vị chỉ về phía Khang Đối Sơn và nói: “Ngươi vì sao không khuyên can họ?”

Khang Đối Sơn nói: “Trong lòng tôi biết rõ họ làm như vậy là không đúng, nhưng tôi tuổi còn nhỏ không dám nói lời khuyên can”.

Vị quan viên lại nói: “Một câu khuyên can có thể giúp năm người tránh được tội nghiệp. Tạm thời không truy cứu lỗi lầm của ngươi nữa!”

Khang Đối Sơn bừng tỉnh, lập tức ghi lại hết những tình tiết trong giấc mộng vào bìa sau của quyển vở. Không lâu sau, cả gia đình của bốn người đốt kinh sách đều bị mắc dịch bệnh chết hết. Người bạn của Khang Đối Sơn lấy kinh sách đun nước rửa mặt dù thi nhiều lần nhưng đều không đỗ.

Hình phạt Đường Tăng phải chịu trong “Tây Du Ký”

Trong hồi thứ 100 “Kính hồi Đông Thổ, Ngũ thánh thành chân” của thiên truyện Tây Du Ký có đoạn viết về bốn thầy trò Đường Tăng được Phật Như Lai thụ chức. Lúc ấy, Phật Như Lai nói: “Thánh tăng, kiếp trước con vốn là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thiền Tử. Bởi vì con không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời dạy của ta, cho nên bị đọa chuyển sinh đến nơi Đông Thổ này”.

Kim Thiền Tử vì khinh mạn Phật Pháp mà phải đọa xuống Đông thổ chịu khổ nạn. (Ảnh: Xwtoutiao)

Phật Như Lai không vì Kim Thiền Tử là đồ đệ thứ hai của mình mà thiên vị bỏ qua cho tội không nghe giảng Pháp và khinh thường Phật Pháp được. Không những không bỏ qua mà còn phải đánh hạ Kim Thiền Tử xuống trần gian.

Trước Phật Pháp, mỗi người đều là bình đẳng, ai không kính trọng Phật Pháp thì sẽ đều có kết quả như nhau. Kim Thiền Tử vừa bị đọa đến làm người thường ở nơi Đông Thổ Đại Đường thì liền bắt đầu trải qua rất nhiều kiếp nạn.

Khi ông vừa mới ra đời thì đã bị truy sát. Đến lúc đầy tháng, mẹ ông đã phải thả ông lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối. Lớn lên, ông đi tìm họ hàng báo oan thì cũng không hề dễ dàng gì. Sau này, trên con đường tu luyện, đi Tây Trúc thỉnh kinh lại phải trải qua muôn ngàn sóng gió, hết khổ nạn này đến khổ nạn khác.

Mỗi lần gặp khó nạn chỉ cần trong tâm ông thoáng có ý nghĩ không ngay chính, tâm cầu Pháp có một chút hơi thiếu kiên định thì tất cả đều trở thành phí công vô ích, thậm chí còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định, thành tâm cầu Phật Pháp, bất kể phía trước có khó khăn kiếp nạn gì đều không thể nào ngăn cản nổi bốn người họ tiến bước về Linh Sơn cõi Phật. Trải qua 81 nạn, họ mới trở về lại được Phật quốc. Từ câu chuyện của Đường Tăng có thể thấy được rằng, muốn tiêu trừ nghiệp ác gây ra do tội coi thường Phật Pháp là vô cùng gian khổ.

Phỉ báng Thần Phật, phá hủy tượng Phật bị đày xuống địa ngục

Vào triều nhà Đường, Thái sử lệnh Phó Dịch từ nhỏ đã học giỏi, có tài hùng biện, hiểu biết về thiên văn. Thế nhưng ông ta không tin Thần Phật, nên tận lực phản đối, phỉ báng, dâng tấu chương muốn hủy bỏ kinh Phật, khinh thường những người xuất gia tu hành, phá bỏ tượng Phật.

Khi ấy, Phó Dịch, Phó Nhân và Tiết Trách đều làm chức Thái sử lệnh. Tiết Trách còn nợ Phó Nhân một số tiền chưa trả được thì Phó Nhân đã qua đời.

Tiết Trách một lần mơ thấy mình đi đến một nơi và gặp Phó Nhân, liền hỏi ông ta rằng: “Ta trước đây còn nợ ngài tiền mà chưa trả, bây giờ phải trả cho ai đây?”

Phó Nhân nói: “Có thể đưa cho quỷ dưới địa ngục là được rồi!” 

Tiết Trách hỏi lại: “Quỷ dưới địa ngục là ai?”

Phó Nhân trả lời: “Thái sử lệnh Phó Dịch chính là quỷ dưới địa ngục!”

Tiết Trách hốt hoảng, thì lại thấy mình đi vào một nơi, có rất nhiều người đã quá cố. Tiết Trách liền hỏi họ: “Trong Kinh Phật nói, làm việc ác thì đắc tội, làm việc thiện thì đắc phúc. Không hiểu có phải nhất định là như vậy không?”

Những người đã quá cố trả lời: “Đương nhiên là đúng rồi!”

Tiết Trách lại hỏi: “Giống như Phó Dịch cả đời không tin Thần Phật nếu chết thì sẽ có báo ứng gì?”

Người đã quá cố lại trả lời: “Thiện, ác, tội, phúc nhất định là có. Về phần Phó Dịch, ông ta đã bị đày đến địa ngục Nê Lê rồi”.

Tiết Trách bừng tỉnh, than rằng: “Tội và phúc, loại sự tình này không thể không tin!”

Ngày hôm sau, Tiết Trách liền đem giấc mộng của mình đến kể cho Phó Dịch nghe. Mấy ngày sau, Phó Dịch bỗng nhiên bị bệnh nặng mà chết.

Thiện ác có báo là Thiên lý, hết thảy mọi việc chỉ có thuận theo Thiên lý mà làm thì mới có tiền đồ rộng lớn, tươi sáng.

Người xưa luôn tin vào sự tồn tại của Thần linh. Họ luôn tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”, vì vậy họ rất tôn kính Thần linh, không dám làm việc xấu xa hại người vì sợ phải chịu tội. Cũng vì tin vào Thần linh, tin vào nhân quả nên họ luôn dạy bảo con cháu khi sống phải hành thiện, tích đức, tránh làm việc ác. Có lẽ, những lời dạy ấy vẫn còn vô cùng hữu ích cho con người hiện đại ngày nay.

Tinh Hoa (t/h)

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận