Kiếp trước Đức Phật là ai?

0
4

Một ngày, trên núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, Đức Phật đã kể cho các đệ tử câu chuyện về chim Phượng hoàng chúa. Ngài kể chậm rãi rằng…

Phượng hoàng chúa sống hạnh phúc bên 500 người vợ trẻ đẹp. (Ảnh: ĐKN)

Thuở xa xưa, có một con chim Phượng hoàng chúa sống hạnh phúc bên 500 người vợ trẻ đẹp. Ngỡ tưởng cuộc sống vinh hoa phú quý tột đỉnh của nó sẽ mãi mãi êm đềm trôi qua theo ngày tháng, nhưng rồi…

Một ngày kia khi Phượng hoàng chúa đang tung cánh dạo chơi trên khu rừng già, nó bỗng thấy một nàng Phượng hoàng mái tuyệt đẹp với bộ lông màu xanh da trời tha thướt, dáng bay uyển chuyển nhẹ nhàng, tiếng hót lảnh lót thanh tao. Vẻ đẹp kiêu kỳ ấy đã khiến Phượng hoàng chúa khởi lên lòng say đắm, mê mẩn ngây dại trong cơn sóng tình. Vậy là nó bỏ lại 500 người vợ hiền trẻ đẹp để đi theo tiếng gọi ái tình, sống bên cạnh nàng Phượng hoàng diễm lệ kia. Nhưng trái ngược với 500 người vợ hiền thảo của nó ở nhà, nàng Phượng hoàng trẻ đẹp này vừa kén ăn kén ở lại chỉ thích được chiều chuộng, khiến Phượng hoàng chúa phải làm đủ mọi cách để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày nó phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngọt thơm nhất đem về cho nàng tình nhân.

Lúc bấy giờ trong thành Vương Xá hoàng hậu mắc một căn bệnh lạ, nhà vua đã mời tất cả các danh y trong vương quốc đến bắt mạch bốc thuốc, nhưng bệnh tình của hoàng hậu vẫn không hề thuyên giảm. Một hôm, hoàng hậu nằm mê sảng rồi thiếp đi, trong cơn mê hoàng hậu chiêm bao thấy có người đến mách rằng bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng hoàng chúa mới khỏi, bằng không thì sẽ chết. Khi thức giấc, hoàng hậu khóc lóc kể lại cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu bèn triệu tập quần thần để họp bàn, rồi lại truyền lệnh khắp vương quốc rằng: “Ai bắt được chim Phượng hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được lấy công chúa làm vợ”.

Lệnh vua vừa truyền, các thợ săn trong nước lũ lượt đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng hoàng chúa. Họ không quản ngại đêm ngày đi lùng tìm khắp mọi ngóc ngách, sẵn sàng lội suối trèo đèo, lên rừng xuống bể, rồi lại viện đến đủ trăm phương ngàn kế để tìm cách bắt cho bằng được con vật này.

Phượng hoàng chúa là loài vật có linh tính, vậy nên người bình thường không cách nào gặp được. Nhưng vì lần này Phượng hoàng chúa đang say trong giấc mộng tình, nó suốt ngày mải miết đi kiếm hoa ngon quả ngọt cho người đẹp của mình nên đã lơ là cảnh giác. Chẳng bao lâu sau, một người thợ săn lão luyện đã lần ra tung tích của nó và cô nàng tình nhân.

Gã thợ săn biết rằng Phượng hoàng chúa là chúa tể của các loài chim và không dễ dàng bắt được. Sau rất nhiều ngày suy tư ngẫm nghĩ, anh ta đã nghĩ ra một diệu kế, lấy mật ong trộn lẫn với bánh rồi tự bôi lên khắp thân mình. Sau đó anh ta lại gắn các loại trái cây thơm ngon lên đó, khiến toàn thân trở thành một núi trái cây. Xong xuôi, người thợ săn lại ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ.

Một buổi sớm mai khi ánh bình minh vừa chiếu rọi, các loài chim chóc bước ra khỏi tổ ấm và đi tìm mồi, thì cũng là lúc Phượng hoàng chúa bay đi tìm trái cây cho nàng tình nhân. Khi đang bay qua cánh rừng già, nó bỗng ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, nó liền tìm đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát. Nó nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ có một đống trái cây vừa thơm lại vừa chín mọng, trong lòng mừng rỡ tự nhủ rằng: “May quá, may quá! Sao mà nhiều trái cây thế này? Vậy là từ nay ta không còn phải khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu dấu của ta nữa!”.

Phượng hoàng chúa bèn đáp nhanh xuống cây cổ thụ và đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia. Nhưng mỏ nó vừa cắp vào trái cây, thì hai chân nó dính chặt xuống và không thể nhấc ra được nữa. Gã thợ săn liền chớp lấy thời cơ chụp nó bằng cả hai tay, khiến Phượng hoàng chúa kinh hãi thét lên vùng vẫy. Nhưng đã quá trễ rồi, nó chỉ còn cách run rẩy van xin:

– Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc thế này, chắc là để đổi lấy điều gì lớn lao lắm đây. Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ trở nên giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu? Xin ông thương xót tha cho.

Gã thợ săn đáp:

– Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa cho. Núi vàng của ngươi làm sao sánh với công chúa cho được?

Nói xong, gã thợ săn hí hửng trói chặt Phượng hoàng đem về dâng lên vua. Nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh nấu thịt làm thuốc cho hoàng hậu ăn.

Phượng hoàng chúa thưa:

– Muôn tâu thánh thượng, nếu chỉ vì cứu mạng sống của hoàng hậu thì tôi hi sinh cũng không lấy gì làm tiếc nuối. Nhưng tôi có phép thuật linh thiêng kỳ diệu, có thể chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu mà không cần lệnh bà phải ăn thịt tôi. Nếu ngài tin tưởng, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ đọc thần chú linh phù vào nước, hoàng hậu chỉ cần uống và tắm là bệnh sẽ hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chưa muộn. Còn nếu hoàng hậu lành bệnh, xin ngài thả tôi về lại với núi rừng.

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh bưng thau nước đến.

Quả đúng như vậy, sau khi uống và tắm nước linh phù hoàng hậu bỗng trở nên mạnh khỏe và trẻ đẹp hơn trước bội phần. Tin tức hoàng hậu bình phục đã nhanh chóng lan truyền khắp cõi, từ trong kinh thành cho đến ngoài nhân gian, ai ai cũng tràn ngập niềm vui.

Nhà vua thấy vậy vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ của Phượng hoàng. Ngài muốn giữ Phượng hoàng ở lại hoàng cung, nhưng vì lời hứa trước đó nên ông đành phải giữ lời.

Trước khi rời khỏi cung điện để trở lại với núi rừng, với mây nước và trời cao vùng vẫy, Phượng hoàng tâu với vua rằng:

– Ðể trả ơn bệ hạ đã tha mạng, tôi xin được đáp xuống hồ sen bán nguyệt và đọc lại thần chú linh phù một lần nữa. Từ giờ dân chúng trong vương quốc của ngài, bất cứ ai mắc bệnh đều có thể uống nước hồ này để được khỏe mạnh.

Nhà vua cả mừng bằng lòng, từ đấy, nước hồ sen trở thành thứ linh dược thần kỳ, tin tức truyền xa khắp bốn cõi.

Phượng hoàng chúa chưa vội bay đi ngay mà đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối. Từ trên nóc cung điện, Phượng hoàng chúa cất tiếng nói vang vang:

– Trên đời này có ba gã khờ: Gã thứ nhất là ta, gã thứ hai là người thợ săn, và gã thứ ba chính là bệ hạ.

Thấy nhà vua và cả hoàng triều đều ngơ ngác vì quá ngạc nhiên, Phượng hoàng liền nói tiếp:

– Quả đúng như người ta nói: nữ sắc không phải là gươm đao nhưng lại có thể hại chết mạng người. Tôi vốn là vua của loài Phượng hoàng, trời cao mây nước là giang sơn mà tôi thỏa sức vẫy vùng. Thế mà vì mê sắc đẹp của tình nhân mà tôi bội bạc bỏ 500 người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho mình, rồi cũng lại vì nữ sắc mà tôi phải ngày ngày đi kiếm tìm thức ăn để cung phụng cho một con Phượng hoàng mái, đến nỗi rơi vào tay gã thợ săn rồi suýt chút nữa mất mạng. Ấy là tôi khờ.

Người thợ săn kia, tôi đã khẩn khoản chỉ núi vàng cho anh ta để đổi lấy mạng sống của mình. Nhưng anh ta vì quá ao ước lấy công chúa mà thẳng thừng từ chối. Công chúa có đẹp đến mấy thì cũng chẳng khác chi sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, thoạt trông thì đẹp như bướm lượn trên hoa, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì là thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như anh chàng thợ săn kia, vì ôm giấc mộng được lấy công chúa mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và bây giờ là mất cả công chúa. Ấy là kẻ khờ thứ hai.

Còn bệ hạ thì chỉ biết vui vẻ với hoàng hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, thậm chí là lấy mạng của chim Phượng hoàng chúa, miễn là được thấy hoàng hậu vui vẻ. Nhưng bất cứ ai làm chết một con chim Phượng hoàng chúa đều tạo cho mình tội nghiệp vô biên. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu này cũng bay đi rồi, và giờ này thân tôi đã vào bụng hoàng hậu, còn bệ hạ thì đến muôn kiếp sau cũng không trả hết tội nghiệp đã gây ra. Thế có phải bệ hạ là kẻ khờ thứ ba không?

Nói xong, Phượng hoàng chúa cất cánh bay vút vào khoảng không xanh ngắt.

Kể xong, Đức Phật nói với đại chúng rằng:

– Người thợ săn trong câu chuyện trên chính là tiền thân của Ðề Bà Ðạt Ða, người em họ của ta trong kiếp này. Còn hoàng hậu đòi ăn thịt Phượng hoàng kia chính là tiền thân của vợ Ðề Bà Ðạt Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá Lợi Phất, kiếp này là đại đệ tử “trí tuệ đệ nhất” trong tăng đoàn. Còn chim Phượng hoàng chính là tiền thân của ta. Các con thấy đó, chỉ vì mê đắm sắc tình mà ta đã phải lụy thân làm kiếp Phượng hoàng. Nếu không nhờ phát tâm bồ đề, tu luyện Phật Pháp, nguyện từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân, thì đã không có Như Lai ngày hôm nay. Cho nên nói, con người sẽ chỉ mãi trầm luân trong lục đạo luân hồi, chỉ có Phật Pháp mới là con đường duy nhất để một sinh mệnh được thăng hoa…

Theo Đại Kỷ Nguyên

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận