Từ xưa đến nay, luân hồi và nhân quả báo ứng không bỏ sót một ai. Cho dù tin hay không tin, chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với những việc bản thân đã làm, đó là quy luật vô hình mà con người không bao giờ nhìn thấy.
Mất con do sát sinh hại mệnh
Vào thời Nam Tống, có một người đàn ông lớn tuổi tên Trương, sống ở làng Nanhantou, huyện Bình Dư, tỉnh Hà Nam. Ông kiếm sống bằng nghề bắt chim và chỉ có một cậu con trai duy nhất.
Ngày kia, con trai ông bỗng chết một cách đột ngột. Nghĩ rằng mình không còn ai để nương tựa, ông Trương tuyệt vọng, than khóc thống khổ bên nấm mồ của con mình.
Ngày thứ 3 sau khi chôn cất con, lúc đang khóc lóc thì ông Trương bỗng nghe tiếng rên rỉ vọng ra từ trong ngôi mộ. Ông bàng hoàng và thốt lên: “Con tôi sống lại rồi”. Sau khi hô hào mọi người đến giúp một tay để đào mộ lên, con trai ông quả thật đã sống lại.
Người con bảo với ông rằng sau khi chết, đã có người dẫn anh ta đến cõi âm. Sau đó anh đã thống thiết cầu xin một vị quan dưới Hoàng Tuyền, nói rằng bản thân còn cha già và muốn được trở lại nhân gian để làm tròn chữ hiếu. Sau khi hoàn thành bổn phận và lo xong ma chay, anh có chết cũng không hối tiếc.
Vị quan nghe xong lời của chàng trai và nói: “Ta sẽ cho ngươi một cơ hội quay trở lại trần gian. Nhưng ngươi hãy nói với cha mình rằng, ông ấy phải ngừng săn bắt và giết hại chim muông, sống tốt hành thiện, như vậy mới có thể chuộc lại tội nghiệp sát sinh hại mệnh, và dương thọ của ngươi cũng sẽ được kéo dài”.
Sau khi nghe lời kể của con, ông Trương lập tức đốt hết đồ nghề đi săn, trong đó có ná bắn, lồng bẫy và lưới đánh chim, sau đó ông cùng con trai lên chùa lễ Phật.
Thân thể chịu đau đớn vì không giữ lời
Trong chùa có một vị sư tên Lu, tuổi chưa đầy 40 nhưng trông vô cùng uy nghiêm. Khi vừa nhìn thấy nhà sư, con trai của ông Trương liền bước đến và hỏi:
“Sư cũng vừa mới được sống lại phải không?”
Nhà sư đáp: “Ta đã chết khi nào đâu mà sống lại chứ?”
Chàng trai liền bảo: “Lúc ở cõi âm, con đã thấy ngài bị trói vào cột đồng ở góc cung điện, xích sắt quanh chân, và quỷ ngục thì đánh vào hai bên sườn của sư đến chảy cả máu. Khi các viên quan cõi âm thả con, con đã hỏi quỷ ngục tại sao vị sư phải chịu khốn khổ tại nơi đó. Quản ngục nói rằng, sư đã hứa sẽ tụng kinh cho ân nhân của mình, nhưng đã không làm nên phải chịu quả báo tàn khốc như vậy”.
Nhà sư nghe xong cảm thấy vô cùng bàng hoàng. Quả thực, ông có bị đau hai bên sườn dưới cánh tay của mình, đôi khi da nứt nẻ đến mức rỉ cả máu. Vết thương đã xuất hiện suốt 3 năm nay nhưng ông lại không hề hay biết lý do.
Ngay sau đó, nhà sư đã dọn dẹp phòng của mình, bắt đầu siêng năng tụng kinh mỗi ngày. 3 năm sau đó, vết thương hai bên sườn dưới cánh tay của ông ấy liền biến mất không vết tích.
Bài học cho con người thế gian
Hai câu chuyện trên là minh chứng cho thấy, con người làm bất cứ việc gì thì bản thân đều phải chịu trách nhiệm.
> Người Trung Quốc cổ đại tin rằng, bất cứ ai phạm phải hành động giết chóc sẽ gây ra nghiệp chướng, và nếu có nghiệp chướng thì sẽ có quả báo. Hình phạt có thể là rút ngắn tuổi thọ bản thân người tạo nghiệp, của một người thân hoặc là những hình thức trừng phạt khác.
> Cõi âm cũng đề cao lòng hiếu thảo, làm tròn bổn phận của người con đối với bậc phụ mẫu. Cậu con trai của ông Trương đã được các viên quan cõi âm bày tỏ lòng thương cảm, vì anh đã thể hiện rõ chữ hiếu của mình đối với cha già.
> Là một đệ tử Phật giáo, vị nhà sư tên Lu đã hứa sẽ tụng kinh cho người khác nhưng lại không thực hiện được lời hứa của mình, vì thế đã phải gánh lấy hình phạt. May mắn thay, ông đã biết sửa chữa sai lầm và từ đó không còn phải chịu đau khổ vì nó nữa.
Trong lục đạo luân hồi rất khó để chuyển sinh làm kiếp người, bởi Phật gia giảng có được thân người là trân quý nhất. Chúng ta phải biết quý tiếc sinh mệnh của mình, sống tốt, hành thiện tích đức. Mọi việc rồi sẽ có an bài thích đáng, đừng vì lợi ích trước mắt mà tạo nghiệp, gây nên thống khổ cho sinh mệnh của mình.
videoPlayerId=d9d4bdf12
Việt Anh (t/h)