Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ Rồng lửa

0
3

Vào thời cổ đại, rất nhiều nhân vật anh hùng đều là thần tiên chuyển thế, Quan Công hay Quan Vân Trường thời Tam Quốc cũng không ngoại lệ, chuyện nói rằng ông chính là kiếp chuyển sinh của một con rồng lửa.

Quan Vũ, tự Vân Trường, một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. (Ảnh: Pinterest)

Tương truyền Vũ Hán là vùng đất của rồng lửa, cứ mỗi trăm năm một lần, nơi này sẽ có hàng trăm vạn hộ gia đình bị hỏa hoạn. Đây là cách thiên đình dùng để đào thải những gia đình không còn tốt nữa.

Năm ấy, con rồng mà Ngọc Đế sai đi có bản tính lương thiện, ông đến Vũ Hán khảo sát xung quanh, thấy người trong nhà này không tệ, người ở nhà kia vẫn tốt, thế là cứ rảo quanh hết lần này đến lần khác, cuối cùng chỉ chọn ra được hai hộ gia đình tệ hại nhất, đó là một nhà họ Bạch ở đầu phố, và một nhà họ Vạn ở cuối phố.

Người nhà họ Bạch này giàu mà bất nhân, người nhà họ Vạn kia thì con cái bất hiếu, đều đáng bị trừng phạt. Đối với những nhà phạm phải những lỗi lầm nhỏ không đáng kể, rồng lửa quả thật không nỡ xuống tay. Thấy thời gian sắp hết hạn, rồng lửa đành phải trở về thiên cung báo cáo sự việc với Ngọc Đế, nói rằng bản thân đã thiêu hủy trăm, vạn hộ gia đình .

Trong lòng Ngọc Đế hiểu rõ, rồng lửa này bản tính thiện lương, e rằng những gì nó nói chưa hẳn đã là sự thật, thế là ông lại sai quỷ dạ xoa đầu trâu ra khỏi Nam Thiên môn tra xét chuyện thực hư. Quỷ dạ xoa đầu trâu đem hết sự thật báo lại với Ngọc Đế: “Hỏa long thật ra chỉ thiêu rụi một nhà họ Bạch, một nhà họ Vạn tại Vũ Hán mà thôi”. Rồng lửa vì thế mà phạm vào thiên quy, Ngọc Đế bèn hạ lệnh chém đầu.

Lúc đó, nhân gian có một Đạo quán, vị Đạo sĩ chủ trì là người có phẩm hạnh. Buổi tôi hôm đó, sau khi đả tọa nhập định, rồng lửa tìm đến lão đạo sĩ, rồi nói với ông rằng: “Tôi vì phạm phải thiên quy, vào giờ ngọ ba khắc ngày mai sẽ bị xử trảm, mong đạo trưởng hãy ra tay cứu vớt”. Lão đạo sĩ nói: “Ông là Thần, tôi là phàm nhân, tôi phải làm sao mới có thể cứu được ông đây?”.

Rồng lửa nói: “Xin ông lấy cái chậu sứ rồi lót vải bông xù bên trên, vào giờ ngọ ngày mai, nhớ tiếp lấy một sợi dây đỏ từ trời rơi xuống thì được rồi”.

Lão đạo sĩ cũng là người ăn chay hành thiện, đâu nỡ lòng thấy chết không cứu. Thế là giữa trưa ngày hôm sau, ông liền lấy cái chậu sứ có lót sẵn vải bông xù bên trên, đặt trong sân vườn của Đạo quán, quả nhiên chậu sứ tiếp được một sợi dây đỏ từ trời rơi xuống, rồi liền đem chậu sứ treo trên xà nhà trong miếu thờ, lặng lẽ đi ra.

Cách Đạo quán không xa có hai vợ chồng Đà viên ngoại, tuổi đã ngoài năm mươi mà vẫn không có con. Hôm đó, hai vợ chồng đến Đạo quán khấn lạy mong sao có được đứa con. Trong lúc đang dập đầu quỳ lạy, hai người bỗng nghe thấy trên xà nhà vẳng đến tiếng trẻ khóc vang. Đà viên ngoại vội lấy chậu sứ xuống xem, thì thấy bên trong là một bé trai trắng trẻo mập mạp. Hai vợ chồng rất đỗi vui mừng hớn hở, liền đem đứa bé về nhà nuôi nấng.

Thấm thoắt đã mười mấy năm trôi qua, đứa bé ngày xưa mà Đà viên ngoại ẵm về, bây giờ đã lớn lên thành một nam tử hán mình cao một trượng hai thước, trắng trẻo khôi ngô, tên là Đà Vũ. Lúc này, Ngọc Đế biết được hỏa long lén bỏ trốn xuống phàm trần, chuyển sinh ở nhà Đà viên ngoại, vậy nên liền phái thiên binh thiên tướng hạ phàm bắt giết ông.

Hôm ấy, Đà Vũ từ xa nhìn thấy thiên binh thiên tướng đang tiến về phía nhà mình, liền vội vàng đứng dậy bỏ chạy. Lúc ấy Quan Âm Bồ tát cũng biết được chuyện này, liền quyết định ra tay cứu rồng lửa một mạng. Thế là, Quan liền dùng phép biến ra một căn nhà tranh ở bên đường, còn mình thì biến thành một cụ bà ngồi dệt vải trong nhà. Khi Đà Vũ chạy ngang qua, cụ bà liền bảo ông hãy trốn ở trong nhà, rồi dùng phép biến ông thành một đại hán mặt đỏ râu dài.

Tranh Quan Âm cưỡi rồng. (Ảnh: Twitter)

Ngay lúc ấy, thiên binh thiên tướng cũng đã đuổi theo đến nơi, họ vào nhà, lục soát khắp, nhưng chỉ thấy trong gian nhà tranh có một cụ bà và một vị đại hán mặt đỏ râu đen đang nằm ngủ trên giường. Do đó, họ cho rằng Đà Vũ nhất định đã chạy xa rồi, bèn rời khỏi nhà tranh, tiếp tục đuổi bắt.

Sau chuyện này, Đà Vũ biết được chính đức Quán Âm Bồ tát đã cứu thoát ông, liền đổi sang họ “Quán”. Sau này, mọi người dần dần viết chữ ‘Quán’ thành chữ ‘Quan’, cũng chính là đại tướng Quan Vũ tiếng tăm lừng lẫy thời Tam Quốc.

Tiểu Thiện (Theo Epoch Times)

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận