Có người nghĩ rằng : Nhân – quả là một luật tự nhiên rất công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn, khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?
Xét về thời gian, nghiệp có chia ra làm ba thứ:
a) Hiện báo: Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.
b) Sanh báo: Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo, như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.
c) Hậu báo: Đời nay tạo nhân, mà cách mấy đời sau mới chịu quả báo, Như ngài Ngộ-Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên-Án, vì giết Triệu-Thố, mà đến 10 đời sau mới chịu quả báo.
Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành không gặp vận hạn là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ. Còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm năm nay, thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.
Còn người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưỡng quả vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay sang năm họ sẽ hưỡng quả sung túc.
Do đó, cổ nhân có nói: “ Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”. (nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).