Vị thiền sư chuyển ngôi mộ tổ giúp dòng họ nghèo túng đỗ đạt làm quan. Ít ai biết giai thoại về một vị thiền sư đã “di chuyển” ngôi mộ cổ giúp con cháu của dòng họ nổi tiếng nghèo túng này đỗ đạt làm quan…
Khi nhắc đến dòng họ Dương ở làng Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội), người ta lại nghĩ ngay đến hai anh em danh nhân nổi tiếng là Dương Khuê và Dương Lâm. Không chỉ giỏi giang, công minh, liêm chính chốn quan trường, cụ Dương Khuê còn sáng tác loại hình ca trù nhiều tác phẩm để đời mà tiêu biểu là bài “Hồng hồng, Tuyết tuyết”…
Sau này, những thế hệ kế tiếp của họ Dương cứ nối nhau giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và nổi tiếng là dòng họ khoa bảng. Tuy nhiên, ít ai biết giai thoại về một vị thiền sư đã “di chuyển” ngôi mộ cổ giúp con cháu của dòng họ nổi tiếng nghèo túng này đỗ đạt làm quan…
Vị thiền sư bí ẩn và hành trình di mộ lúc nửa đêm
Trước đây, huyện Ứng Hòa được gọi với cái tên tổng Phương Đình thuộc tỉnh Hà Đông. Nhà thờ của dòng họ Dương chi Ất Hạ nằm ngay bên bờ sông Đáy thơ mộng. Từ thuở giặc phương Bắc đô hộ đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thanh niên Vân Đình trong đó có những con em họ Dương nô nức lên đường ra trận. Họ đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì độc lập và vì nhân dân.
Không mất quá nhiều thời gian để chúng tôi có thể tìm ra nhà thờ của dòng họ khoa bảng này. Ngồi trước mặt chúng tôi là ông Dương Văn Hoạt (61 tuổi), Trưởng ban liên lạc họ Dương chi Ất Hạ. Nói chuyện với chúng tôi, ông Hoạt cho biết: “Căn nhà này chúng tôi đã trùng tu lại. Còn chính ra nhà thờ cổ của họ Dương nằm ở phía bên cạnh, được các cụ ngày xưa xếp bằng những mảnh sành chồng khít lên nhau như hình vảy cá. Năm 2008, nhà thờ của họ tôi đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.
Cũng theo ông Hoạt, dù đi đâu, làm ăn ở chốn nào, người họ Dương chi Ất Hạ cũng rất tự hào về dòng tộc danh giá của mình. Từ nghèo túng, họ vươn lên thành dòng họ khoa bảng nổi tiếng kinh kỳ với những danh nhân và con người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình.
Nhấp ngụm trà đặc, ông Hoạt kể: “Theo tài liệu và các cụ bô lão trong dòng họ ghi lại, họ Dương chi Ất Hạ có nguồn gốc từ Nghệ An, lưu lạc đến Vân Đình. Ngày xưa, dòng họ tôi nghèo túng, yếu kém lắm. Đàn ông chỉ đi học hoặc làm nghề tầm thường, còn phụ nữ buôn bán lận đận nơi thôn quê. Họ Dương lại bị người làng miệt thị vì là dân ngụ cư. Ngày đó, cụ sinh đồ Dương Đức Thắng vì quá túng thiếu nên phải lên chùa viết sớ giúp người đến lễ bái để có thêm tiền chi dùng.
Sau khi cụ mất được một năm, một hôm có một vị thiền sư đến chơi nhà hỏi thăm và nói với gia đình: “Tôi vốn quen thân với cụ ông. Nay người bạn đã mất, tôi sẽ giúp tìm cho cụ một ngôi đất để di chuyển mộ đến đó. Tôi hỏi, gia đình muốn chuyển mộ cụ đến khu đất giàu có hay khu con cháu đỗ đạt làm quan?”. Cụ bà (vợ cụ Thắng-PV) liền thưa rằng: “Nhà tôi có con đi học nên mong được con cháu sau này đỗ đạt chứ không muốn giàu có”.
Ông Hoạt tiếp lời, nghe đến đây, vị sư nói rằng, hiện nay có một ngôi đất địa thế rất tốt nên sẽ dành cho cụ ông. Vì gia đình nghèo, không có tiền làm cơm thiết đãi dân làng nên khi cải táng cho chồng, cụ bà đã quyết định cùng con cháu làm về ban đêm. Khi màn đêm buông xuống, vị sư và con trai cụ Thắng đem thuổng, cuốc và một cái nồi đình ra lo việc bốc mộ (vì nhà nghèo không sắm được tiểu sành).
Hài cốt được xếp vào nồi, chôn ngay ở mô đất sát đường đi đến phủ lỵ. Chôn xong, vị sư nói với gia đình rằng: “Thử địa tiên phát Hàn lâm viện thị giảng học sỹ. Thứ phát đồng triều lưỡng Thượng thư. Nhị thập niên phương kế đăng khoa. Nhị thập niên phương kế hiểm họa”. Khi gia đình hỏi tên hiệu vị thiền sư để ghi ân thì ngài không chịu cho biết.
Do thửa ruộng táng ngôi mộ tổ có nhiều mồ mả của người dân chôn cùng nên người nhà rất lo bị lẫn lộn. Tuy nhiên, vị thiền sư khẳng định rằng, chỉ trong vòng trăm ngày họ sẽ phải bốc đi hết. Điều đó quả nhiên đúng. Nay chỉ còn ngôi mộ cổ của dòng họ hình chiếc án thư. Phía trước ngôi mộ là những ngọn núi đá màu lam xa thẳm.
Sau này, việc cụ Đức Ứng, Đốc học tỉnh Sơn Tây được vua ban chức Hàn lâm viện thị giảng học sỹ, rồi cụ Dương Khuê, Dương Lâm làm tới Thượng thư đồng Triều và các con cháu kế tiếp đỗ đạt (2 tiến sỹ, 8 cử nhân, tây học, bác sỹ, kỹ sư và làm quan) đã chứng nghiệm lời nói của vị thiền sư. Tới nay, mặc dù không biết tên hiệu của vị thiền sư nhưng khi con cháu cúng giỗ, để tỏ lòng thành kính, ghi ân ngài nên vẫn khấn Đức dương gia phúc thần Đức thanh tịnh Thiền sư.
Những chuyện chưa kể về dòng họ khoa bảng
Dòng họ Dương chi Ất Hạ là nơi sinh ra hai danh nhân nổi tiếng của đất nước là cụ Dương Khuê và cụ Dương Lâm. Những tài liệu mà ông Hoạt đem ra cho chúng tôi xem có ghi lại: Cụ Dương Khuê là con cả Đô ngự sử Dương Quang đỗ tiến sỹ năm 1868 làm quan đến chức Thượng thư thời vua Tự Đức. Vị này còn là bạn thân của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Khi còn giữ chức quan Thượng thư, ông đã dâng sớ can vua Tự Đức “không nên nhượng thực dân Pháp” nên bị điều đi khai hoang.
Cụ Dương Khuê sáng tác nhiều thơ văn, trong đó có bài “Hồng hồng, Tuyết tuyết” rất nổi tiếng dùng để phổ cập cho những người hát ca trù. Cụ Dương Lâm là em (Canh Tuất 1851-Canh Thân 1920). Khi sinh ra đã có tướng lạ, lông mày như người lớn. Vị này cũng làm quan tới chức Thái tử Thiếu bảo. Ngoài ra, con cháu họ Dương hiện có rất nhiều người đỗ đạt cao và nổi tiếng như nhạc sỹ Dương Thiệu Tước, Dương Thụ, GS-TS. Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan…
Theo ông Dương Văn Hoạt, vì nổi tiếng khoa bảng, danh giá, nhiều con cháu đỗ đạt làm quan nên không ít người xa lạ đến tự nhận xuất thân từ dòng họ Dương. Tuy nhiên, trước những trường hợp này, các cụ đều tra lại phả tộc rất cẩn thận mới quyết định nhận hay từ chối. Tuy nhiên, có một câu chuyện mà lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí người họ Dương, đặc biệt là ông Hoạt, đó chính là việc một “đại ca” khét tiếng giang hồ từng đến đây để nhận là con cháu.
“Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bỗng một ngày Dương Văn K. đến Vân Đình nhận họ hàng. Thời điểm K. đến chỉ cách lúc hắn bị bắt có hai tháng. Khi gặp các cụ cao niên trong họ, K. nói rằng, trước khi thân phụ mình qua đời có căn dặn ông ta sau này dù bất kể lý do gì cũng phải cố gắng tìm lại họ tộc. Mặc dù K. cũng mang họ Dương nhưng không biết chi họ mình ở đâu. Khi nghe nói có chi nhánh họ Dương ở Vân Đình, K. đã tìm về mong được nhận họ. Tuy nhiên, theo trí nhớ và ghi chép của các cụ thượng thọ trong họ thì K. không thuộc chi họ Dương ở Vân Đình nên đã từ chối”.