Sự thật về thôi miên “bùa ngải bùa mê” bằng hóa chất để cướp của

0
13

Khi chất độc này đi vào cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng đưa nạn nhân vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức…

“Hơi thở của quỷ” là tên gọi của một loại hoa có hình dạng giống hoa loa kèn, còn được gọi là hoa loa kèn của thiên thần. Từ loài hoa này, có thể chiết xuất một loại chất có tác dụng gây ảo giác có tên Scopolamine mà chỉ cần hít phải, một người khỏe mạnh có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời. Điều đáng nói là có nhiều đối tượng lợi dụng loại chất gây thôi miên này để gây ra rất nhiều vụ án cướp tiền trắng trợn vào ban ngày giữa đường phố Hà Nội

Ngồi xe Attila, xin 10 nghìn đi đường?!

Trên mạng xã hội facebook, anh Trương Gia Bảo (Hà Nội) đã chia sẻ một đoạn video mà anh đã quay được cùng những lời cảnh báo về một đối tượng anh gặp được trên đường. Theo như lời anh Bảo chia sẻ: “Trên đường về nhà khoảng 16h45, qua đoạn đường từ Văn Cao đến phố Liễu Giai, quận Ba Đình, thì chợt nghe tiếng gọi của một người phụ nữ trung tuổi từ phía sau: “Em ơi cho chị xin 10 nghìn để chị đi về Hà Đông. Quay mặt lại thì thấy một người phụ nữ tầm 40 – 50 tuổi, đeo khẩu trang y tế bịt kín mặt, đi xe Attila màu trắng.

Vì biết nhiều vụ thôi miên trên đường đồng thời là người hay cảnh tỉnh nên mình lờ đi không nói chuyện lại. Mình im lặng và đi rẽ vào phố Kim Mã Thượng nhằm theo dõi chị này. Một lúc thấy chị đi thẳng theo phố Liễu Giai và đang hỏi một người khác thì mình lấy điện thoại ra quay. Thấy vậy chị này phóng xe và dừng ở lề đường. Mình đành giả vờ đi tiếp như chưa hề biết, đến chỗ bán dưa đỏ đoạn ngã tư Nguyễn Chí Thanh – La Thành chờ để xem chị này thì chị này quay ngược hướng lại…”.

Anh Bảo có nói chuyện với những người bán dưa đỏ bên đường về sự việc lạ kia, thì nhận được những thông tin về một nhân vật đáng ngờ có những đặc điểm giống hệt người mà anh vừa gặp. Chị L. bán dưa bên đường cho biết cách đây một tuần, cũng trên con phố Văn Cao – Liễu Giai có một người phụ nữ đi xe Attila màu trắng, thôi miên người đi đường và lấy hết tiền, tài sản của họ. Sự việc xảy ra vào ban ngày, khi có rất nhiều người qua lại nhưng không ai nhận ra được sự việc này.

Theo chị L, người phụ nữ đeo khẩu trang kín mặt, xin ít tiền và hỏi đường, nhưng một lúc sau, thấy người phụ nữ là nạn nhân hô hoán rằng mình vừa bị thôi miên cướp hết tiền, điện thoại và một số tài sản có giá trị khác. Nhưng khi nhận ra điều đó, thì đối tượng kia đã đi từ rất lâu rồi.

Nhận ra sự giống nhau giữa nhân vật trong hai câu chuyện, anh Bảo liền nhận định rằng, vụ việc mà mình vừa trải qua, rất có khả năng là một vụ thôi miên nhằm cướp tài sản. Theo anh Bảo, người phụ nữ đi chiếc xe Attila màu trắng có biển số 29Y6.64XX, trông có vẻ rất khả nghi. Khi được hỏi tại sao anh lại nghĩ rằng người phụ nữ này có thể là đối tượng thôi miên cướp tài sản thì anh Bảo cho rằng: “Không ai đi xe Attila lại xin 10 nghìn để đi đường, thậm chí khi hỏi xin tiền cũng không tháo khẩu trang ra, ăn vận rất kín đáo. Mình hay thương người và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng từ nay trở đi, sẽ phải cẩn thận khi đặt lòng thương đúng chỗ”.

Anh Trương Gia Bảo cũng cảnh giác những người thân, bạn bè của mình về sự việc đã trải qua: “Những ai đi trên đoạn đường này thấy người phụ nữ đi xe Attila màu trắng với biển số đúng như mình vừa cung cấp, có hỏi đường, xin tiền, hỏi giờ hoặc đưa điện thoại bày cách sử dụng thì hãy cảnh giác. Nhớ đặt lòng thương đúng chỗ, tránh bị lừa gây ra những hậu quả đáng tiếc.”

Chất ảo giác có tác dụng kinh hoàng

Anh Trương Gia Bảo cũng chính là một bác sĩ, chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm có nhiều năm kinh nghiệm. Anh cho rằng, không thể loại trừ việc những đối tượng sử dụng loại chất thôi miên có tên dân gian là “hơi thở của quỷ” để hành nghề. Lý do anh nhận định điều này bởi cũng đã có rất nhiều trường hợp tương tự sử dụng loại chất này để cướp đồ trắng trợn giữa ban ngày trong thời gian qua. Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. – chủ một cửa hàng đại lý tạp hóa tầng 1 tại phố Đại Từ (Hoàng Mai- Hà Nội) đã bị kẻ gian thôi miên ngay trong cửa hàng của mình để lại những thiệt hại rất lớn về tài sản. Lợi dụng những sơ hở từ các nạn nhân, đối tượng cho nạn nhân tiếp xúc với một lượng nhỏ chất thôi miên này, có thể khiến nạn nhân rơi vào tình trạng ảo giác, bị mất tri giác, trí nhớ tạm thời và rất dễ dàng bị cướp tài sản.

Được biết, “hơi thở của quỷ” thực chất là một loại hoa loa kèn độc, còn được gọi là “cây thôi miên”, thường được trồng nhiều ở Colombia với tên gọi là Borrachero và nay đã xuất hiện tại Việt Nam. Theo GS.TS Võ Văn Chi, tác giả cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, Borrachero chính là cây cà độc dược cảnh ở Việt Nam, nhiều nơi còn gọi là hoa loa kèn. Trong “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, giáo sư Chi mô tả về Borrachero là cây nhỡ khỏe, hóa gỗ có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, màu trắng, dài 25-30 cm, đường kính 1-1,5 cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau. Cây này gốc ở Mexico và Peru, được trồng nhiều ở Colombia.

Tại Việt Nam, loài hoa loa kèn này thường được trồng nhiều ở Đà Lạt, Nghệ An, và một số địa phương khác. Trong đó, tại Đà Lạt, hoa loa kèn được trồng với 3 loại phổ biến là loại màu trắng ngà (xuất hiện khoảng 30 – 40 năm trước), loại màu vàng và màu hồng (từ 7 -10 năm trở lại đây). Loài hoa này không chỉ được trồng nhiều trên các tuyến đường nội thành mà còn được trồng dày đặc trong khuôn viên của những ngôi nhà, quán cà phê sân vườn. Cách trồng loài hoa này cũng rất đơn giản, chỉ cần giâm cành, hoặc quả khô rụng xuống, gặp điều kiện thích hợp có thể tự nảy mầm, phát triển.

Theo bác sĩ – chuyên gia Nguyễn Thế Lương, PGĐ Bệnh viện Thận Hà Nội thì hoạt chất Scopolamine được chiết xuất từ “hơi thở của quỷ” là chất tan trong nước, không màu, không mùi nên nạn nhân rất khó phát hiện khi bị thổi. Chỉ với vài giây ngắn ngủi, kẻ ác sẽ thổi vào mũi nạn nhân, chất Scopolamine ngay lập tức tác dụng lên hệ thần kinh trung ương khiến nạn nhân mê man hoặc bị mất kiểm soát tri giác dẫn đến bị kẻ xấu thôi miên. Khi chất độc này đi vào cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng đưa nạn nhân vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức và khi hồi tỉnh, họ sẽ không nhớ những gì mình đã làm trước đó.

Theo dược sĩ Phan Minh Hiển, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM, tại Nam Mỹ, loại cây này thường được dùng làm thuốc hoặc tạo ảo giác trong các nghi lễ tôn giáo. Chế phẩm của nó được sử dụng như một loại “thuốc sự thật” để lấy lời khai phạm nhân hoặc làm mất trí nhớ tạm thời. Bọn tội phạm cũng thường sử dụng câu này để làm chất gây thôi miên nhằm cướp của, giết người…

Tiến sỹ Stephen M.Pittel, nhà tâm lý học pháp y và cũng là người tiên phong nghiên cứu về văn hóa thuốc ở San Francisco ( Mỹ) có viết: “Các báo cáo hàng ngày cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc… ở Mỹ và Canada có liên quan đến thuốc Burundanga, một dạng khác của Scopalamine vốn được sử dụng trong nhiều thập kỉ qua ở Columbia trong các nghi lễ bản địa. Thông thường, những tên tội phạm bí mật bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Nạn nhân đưa toàn bộ trang sức, tiền, chìa khóa xe, thậm chí còn rút cả tiền ngân hàng để đưa cho chúng. Khi tỉnh lại họ mới nhận ra đã mất đồ và hoàn toàn không kẻ đó là ai”.

Theo một số tài liệu, tại Đà Lạt năm 2013, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc do ăn lẩu nấu với hoa loa kèn. Được biết có 5 người cùng ngồi chung một bàn ăn, một người không dùng món lẩu có hoa loa kèn, còn lại 4 người đều có triệu chứng ngộ độc giống nhau như không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng lảm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh. Sau khi cấp cứu, các bác sĩ cho biết những bệnh nhân này đã trúng một loại độc dược có khả năng gây ảo giác. Loại độc này chính là chất scopolamine có trong hoa “hơi thở của quỷ” ở Đà Lạt.

Trước sự việc mà mình gặp phải, với tư cách là một bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý tội phạm, anh Trương Gia Bảo cũng đưa ra lời khuyên: “Mọi người nhớ cảnh giác trước những tình huống có dấu hiệu nghi vấn, đặc biệt nên trang bị thêm khẩu trang khi đi đường nếu có người lạ hỏi thì còn đề phòng được”.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận